Biến chứng của bệnh sởi

Sởi không chỉ là một bệnh ban thông thường mà là một bệnh nhiễm trùng do virus nghiêm trọng, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Dù đã có những tiến bộ trong việc kiểm soát dịch bệnh và có sẵn vắc xin hiệu quả, sởi vẫn là một mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

1. Bệnh sởi có nguy hiểm không?

Bệnh sởi có nguy hiểm không? CÓ

Ngay từ trong các y văn cổ như cuốn “Biện chứng kỳ văn” của Viện sử Thái Y Viện Kính Hồ tiên sinh có đoạn ghi chép ở mục Chẩn chứng – Ma chẩn – Sởi: Độc khí xâm nhập vào tạng phủ, muốn thoát ra nhưng không được – sống chết chỉ trong khoảnh khắc. Trong lịch sử cũng có rất nhiều hoàng thân quốc thích, con cháu hoàng tộc mất vì bệnh sởi. Như vậy trong y văn xưa cho rằng bệnh sởi là bệnh nguy hiểm.

Theo các nghiên cứu của những năm gần đây, các chuyên gia nhận thấy bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm viêm phổi, sưng não (viêm não) và tử vong.

  • 1 trong 5 người mắc bệnh sởi sẽ phải nhập viện.
  • 1 trong 20 trẻ mắc bệnh sởi sẽ bị viêm phổi, nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất do bệnh sởi ở trẻ nhỏ.
  • Cứ 1.000 người mắc bệnh sởi thì có 1 người bị phù não, có thể dẫn đến tổn thương não.
  • Cứ 1.000 người mắc bệnh sởi thì có từ 1 đến 3 người tử vong.

2. Các biến chứng phổ biến

Các biến chứng thường gặp của sởi bao gồm:

  • Nhiễm trùng tai (Viêm tai giữa): Là một trong những biến chứng phổ biến nhất, xảy ra ở khoảng 1/10 trẻ mắc sởi.
  • Tiêu chảy và mất nước: Thường gặp trong giai đoạn cấp tính, có thể dẫn đến mất nước, đặc biệt ở trẻ nhỏ do giảm lượng thức ăn hoặc viêm miệng
  • Viêm phổi: Là biến chứng phổ biến nhất và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ mắc sởi. Viêm phổi có thể do virus sởi trực tiếp gây ra hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Viêm phổi nặng do sởi có thể tiến triển thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn và tử vong.
  • Viêm thanh khí phế quản (Croup): Sởi thường gây các biến chứng hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm viêm thanh khí phế quản, viêm khí quản, viêm tiểu phế quản.
  • Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang…
  • Viêm loét miệng.
  • Tình trạng tăng sắc tố sau viêm (PIH) có thể xảy ra sau khi ban sởi mờ đi, làm da chuyển sang màu nâu hoặc sẫm màu hơn, đặc biệt ở người có tông màu da tối hơn. Tình trạng này thường tạm thời và có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng

3. Các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng

Viêm não (sưng não)

  • Xảy ra ở khoảng 1/1.000 người mắc sởi.
  • Có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, co giật, điếc hoặc suy giảm trí tuệ.
  • Viêm não do sởi có tỷ lệ tử vong khoảng 10%. Nguy cơ cao hơn ở thanh thiếu niên và người lớn so với trẻ nhỏ.
  • Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, viêm não có liên quan đến tổn thương não trực tiếp do virus.
  • Các dạng viêm não khác bao gồm viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM) và viêm não thể vùi sởi (MIBE), đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Viêm não xơ cứng bán cấp (SSPE):

  • Là một bệnh thoái hóa thần kinh rất hiếm gặp nhưng gây tử vong.
  • Có thể phát triển 7-10 năm sau khi người bệnh đã hồi phục hoàn toàn từ sởi.
  • Nguy cơ mắc SSPE cao hơn đối với những trẻ mắc sởi trước 2 tuổi.
  • Biểu hiện bằng suy giảm hành vi và trí tuệ, cùng các cơn co giật.

Mù lòa và các vấn đề về mắt:

  • Sởi có thể gây viêm loét giác mạc và mù lòa, đặc biệt ở trẻ em thiếu vitamin A. Sởi là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở các nước đang phát triển.

Nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng:

  • Các biến chứng do bội nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng, cần điều trị kịp thời.

Sởi thể xuất huyết (Black Measles):

  • Một thể sởi rất nặng, hiếm gặp ngày nay, với biểu hiện phát ban xuất huyết và thường dẫn đến tử vong.

Biến chứng thần kinh khác

Co giật do sốt (xảy ra ở <3% trẻ mắc sởi.

Đợt cấp bệnh lao

Nhiễm sởi có thể ức chế đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, làm giảm phản ứng lao tố và có thể tăng nguy cơ kích hoạt bệnh lao phổi tiềm ẩn.

Suy hô hấp

Một trong các biến chứng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh đặc biệt là trẻ em. 

Suy yếu hệ miễn dịch (“Mất trí nhớ miễn dịch”):

  • Hệ thống miễn dịch của con người tạo ra các tế bào nhớ sau khi bị nhiễm trùng. Vắc xin cũng có thể kích thích việc tạo ra các tế bào nhớ. Các tế bào nhớ này ghi nhớ các vi trùng. Nếu chúng ta trong tương lai tiếp xúc với những loại vi trùng này, tế bào nhớ sẽ nhanh chóng tạo ra các kháng thể để ngăn ngừa việc cơ thể bị nhiễm trùng.
  • Virus sởi làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh. Nó có khả năng xóa sạch trí nhớ miễn dịch của các loại virus và vi khuẩn có hại khác. Hệ quả là chứng mất trí nhớ miễn dịch, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai mắc sởi khi virus sởi tấn công vào các tế bào trí nhớ trong hệ thống miễn dịch.
  • Khi một số hoặc toàn bộ các tế bào trí nhớ biến mất, hệ thống miễn dịch của con người sẽ khó nhớ được vi trùng và khó chống lại các bệnh nhiễm trùng hơn. Người mắc sởi có khả năng miễn dịch với bệnh sởi nhưng khả năng miễn dịch với các bệnh khác sẽ thấp hơn làm tăng nguy cơ tái hoạt động các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Vắc xin và các bệnh nhiễm trùng mới là cách duy nhất để lấy lại khả năng miễn dịch này. 

Phụ nữ mang thai:

  • Nhiễm sởi trong thai kỳ có thể rất nghiêm trọng đối với cả mẹ và thai nhi. Có thể dẫn đến viêm phổi ở mẹ (khoảng 1/5 trường hợp), tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, hoặc thai chết lưu.
  • Virus cũng có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nếu mẹ đang mắc sởi cấp tính (sởi bẩm sinh).

Một số biến chứng ít gặp khác: viêm gan, đông máu nội mạch rải rác, giảm tiểu cầu, viêm ruột thừa, viêm hồi tràng, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, viêm tụy cấp, hạ canxi máu

4. Ai dễ bị mắc sởi biến chứng

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn mắc sởi diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm:

  • Trẻ nhỏ: Trẻ dưới 12 tháng tuổi đặc biệt nguy hiểm. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi cũng có nguy cơ cao bị biến chứng nặng. Trẻ suy dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin A, và trẻ có hệ miễn dịch yếu (ví dụ do HIV) dễ bị biến chứng hơn.
  • Người lớn: Người lớn trên 20 tuổi cũng có nguy cơ cao bị biến chứng nặng.
  • Người bị suy giảm miễn dịch: Nguy cơ cao bị nhiễm trùng nặng và bội nhiễm. Ở những bệnh nhân này, ban sởi có thể không xuất hiện.

5. Thời gian phục hồi sau mắc sởi

  • Hầu hết người bệnh sởi hồi phục trong khoảng 7-10 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.
  • Nếu không có biến chứng, bệnh sởi thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, ho có thể kéo dài thêm 1-2 tuần sau khi ban biến mất hoàn toàn. 
  • Sau khi ban mờ đi, vùng da bị ảnh hưởng có thể chuyển sang màu nâu hoặc sẫm màu hơn, đặc biệt ở những người có tông màu da tối hơn. Tăng sắc tố sau sởi có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng nhưng thường chỉ là tạm thời.

Hầu hết các biến chứng của bệnh sởi xảy ra do virus sởi ức chế phản ứng miễn dịch của vật chủ, dẫn đến tái hoạt các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bội nhiễm do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.

Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời là rất quan trọng để điều trị bệnh, tránh các biến chứng nghiêm trọng và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Tiêm vắc xin sởi đầy đủ là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa sởi và các biến chứng nguy hiểm của nó.

BS Uông Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *