Sởi là một bệnh nhiễm trùng do virus lây lan rất dễ dàng và có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Nó được coi là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ lây lan nhất trên thế giới, lây lan nhanh gấp đôi so với COVID-19 và thủy đậu. Triệu chứng của sởi thường tiến triển qua các giai đoạn khác nhau. Cùng DUPOMA tìm hiểu cách nhận biết bệnh sởi từ giai đoạn sớm để kịp thời can thiệp và điều trị đạt hiệu quả.
1. Bệnh sởi thể điển hình
Giai đoạn ủ bệnh
- Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi thường kéo dài từ 7 đến 21 ngày, trung bình là 10-14 ngày tính từ khi tiếp xúc với virus đến khi có các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
- Trong thời gian ủ bệnh có thể không có triệu chứng nào
Giai đoạn khởi phát
- Giai đoạn khởi phát thường kéo dài 2-4 ngày. Các triệu chứng chính bao gồm sốt cao và dấu hiệu 3C (cough – ho, Cozyra – sổ mũi, conjuntivitis – viêm kết mạc, mắt đỏ có gỉ mắt), Koplik.
- Các triệu chứng ban đầu có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác.
- Sốt thường sẽ xuất hiện từ ngày đầu và có thể kéo dài suốt quá trình mắc bệnh (khoảng 10 ngày) trong đó ngày 4-5 có thể xuất hiện sốt cao đạt đỉnh khoảng 39-40 độ.
- Hạt Koplik xuất hiện sau sốt ngày thứ 2 và tồn tại trong khoảng 2-3 ngày sau khi ban xuất hiện. Đây là một nội ban tiền triệu virus của bệnh sởi biểu hiện hai đến ba ngày trước khi sởi phát ban. Hạt Koplik là các đốm nhỏ màu trắng xám, kích thước khoảng 0.5 – 1 mm, có quầng đỏ xung quanh, nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (đối diện với răng hàm trên 1 & 2). Đây là một dấu hiệu đặc trưng giúp chẩn đoán sớm bệnh sởi. Nhưng cũng khá dễ nhầm lẫn với cặn sữa hoặc nấm miệng ở trẻ. Để tránh nhầm lẫn nên cho trẻ uống nước trước khi quan sát. Đồng thời, không phải tất cả bệnh nhân sởi đều có hạt Koplik.
- Các triệu chứng giống cảm lạnh (dấu hiệu 3C):
- Cough – Ho: ho khan.
- Cozyra – Sổ mũi: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Conjuntivitis – Viêm kết mạc: mắt đỏ, chảy nước mắt, sưng và có thể có gỉ mắt. Mắt cũng có thể nhạy cảm hoặc đau khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Các triệu chứng toàn thân khác: Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức khắp cơ thể, chán ăn, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và thiếu năng lượng.
Giai đoạn toàn phát
- Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Phát ban thường xuất hiện khoảng 2-4 ngày sau các triệu chứng ban đầu, hoặc 3-5 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên bắt đầu.
- Ban sởi: sẽ suất hiện vào tầm ngày thứ 3 của bệnh và đến khoảng ngày thứ 9 sẽ hết ban.
Các đặc điểm điển hình của ban sởi (measles rash):
- Loại ban: Dát sẩn (maculopapular) – tức là ban đỏ, phẳng hoặc hơi gồ nhẹ. Trên da sẫm màu, ban có thể khó nhìn thấy hơn.
- Trình tự xuất hiện: tính trình tự cũng là 1 trong các đặc trưng của ban sởi, dùng để chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh phát ban khác:
- Bắt đầu ở mặt phía sau tai, thường quanh chân tóc → lan xuống cổ, thân mình, rồi ra tay chân
- Lan theo trình tự “từ đầu xuống chân”
- Thời điểm xuất hiện: Khoảng ngày thứ 3–4 sau sốt khởi phát
- Đặc điểm nổi bật:
- Ban thường kết hợp với các triệu chứng: sốt cao, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc
- Khi ban xuất hiện, sốt của người bệnh có thể tăng cao đột ngột, vượt quá 40°C.
- Khi ban mọc hết toàn thân, thân nhiệt của người bệnh thường giảm dần.
- Ban có thể kết dính thành mảng, nhưng không có mủ, không nổi mọng nước.
- Không ngứa nhiều trong giai đoạn đầu (có thể xuất hiện ngứa nhẹ khi ban lui)
- Khi lui bệnh, ban lặn theo thứ tự xuất hiện và để lại vết lằn da hổ (tiger-striping) hoặc vết thâm nhẹ sau bong tróc.
Giai đoạn hồi phục
- Sau khoảng một tuần phát ban, các triệu chứng của sởi thường bắt đầu thuyên giảm.
- Ban sởi sẽ nhạt màu dần, chuyển sang màu xám hoặc nâu, và có thể bong vảy phấn sẫm màu. Vết thâm có thể để lại dạng “vằn da hổ” hoặc vết thâm nhẹ sau khi bong tróc. Da sẽ dần trở lại màu sắc bình thường theo thời gian.
- Nếu không có biến chứng, bệnh sởi thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần.
- Ho có thể kéo dài thêm 1-2 tuần sau khi ban biến mất hoàn toàn.
2. Bệnh sởi thể không điển hình
- Một số trường hợp sởi có thể biểu hiện không điển hình, ví dụ như sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, khiến bệnh dễ bị bỏ qua và dẫn đến lây lan không kiểm soát. Ngược lại, người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình kèm theo phù nề tứ chi, đau nhức toàn thân và thường có viêm phổi nặng.
- Trong các trường hợp sởi đã được tiêm phòng (còn gọi là sởi biến đổi), các triệu chứng thường nhẹ hơn và khó chẩn đoán hơn do ban có thể không theo trình tự điển hình và có thể bắt đầu ở thân hoặc tứ chi.
3. Cận lâm sàng
Để chẩn đoán sởi, người bệnh có thể cần làm 1 số xét nghiệm
- Công thức máu thường thấy giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho và có thể giảm tiểu cầu.
- Xquang phổi có thể thấy viêm phổi kẽ. Có thể tổn thương nhu mô phổi khi có bội nhiễm.
- Xét nghiệm phát hiện vi rút sởi.
- Xét nghiệm huyết thanh học: Lấy máu kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM.
- Phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR), phân lập vi rút từ máu, dịch mũi họng giai đoạn sớm nếu có điều kiện.
4. Chẩn đoán xác định
Một người được chẩn đoán mắc bệnh sởi khi có:
- Yếu tố dịch tễ: Có tiếp xúc với BN sởi, có nhiều người mắc bệnh sởi cùng lúc trong gia đình hoặc trên địa bàn dân cư.
- Lâm sàng: Sốt, ho, viêm long (đường hô hấp, kết mạc mắt, tiêu hóa), hạt Koplik và phát ban đặc trưng của bệnh sởi.
- Xét nghiệm phát hiện có kháng thể IgM đối với vi rút sởi
Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời là rất quan trọng để điều trị bệnh, tránh các biến chứng nghiêm trọng và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng
BS Uông Mai