Bệnh sởi là một bệnh do virus có thể tự khỏi nhưng cũng có thể tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện sớm, theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng khỏe lại và tránh được các biến chứng do sởi gây ra. Cùng DUPOMA tìm hiểu về các phương pháp điều trị sởi theo từng giai đoạn và từng đối tượng khác nhau.
1. Nguyên tắc điều trị chung
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay liệu pháp kháng virus nào được cấp phép và áp dụng trong điều trị sởi. Việc chăm sóc y tế nhìn chung là điều trị hỗ trợ để giúp giảm các triệu chứng. Hầu hết mọi người sẽ hồi phục sau 7 đến 10 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.
- Điều trị theo phân loại và sàng lọc bệnh nhân sởi hoặc nghi ngờ sởi.
- Cách ly ca bệnh ngay khi nghi ngờ mắc sởi.
- Bổ sung vitamin A liều cao
- Điều trị triệu chứng
- Phát hiện và điều trị sớm các biến chứng
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
- Không sử dụng corticoid đường toàn thân khi chưa loại trừ sởi
2. Phác đồ điều trị bệnh sởi
Nằm phòng riêng, hạn chế tiếp xúc, mang khẩu trang
Bổ sung Vitamin A
- Chỉ định: tất cả trẻ bị sởi, trừ những trẻ đã uống đủ liều trong 1 tháng
- Cách dùng:
- Cho 2 liều: Liều đầu ngay khi chẩn đoán, liều thứ 2 ngày hôm sau.
- Liều lượng:
- Trẻ < 6 tháng: 50.000 đv/liều.
- Trẻ 6 – 12 tháng: 100.000 đv/liều.
- Trẻ >12 tháng và người lớn: 200.000 đv/liều.
- Nếu trẻ có tổn thương mắt do thiếu Vitamin A hoặc suy dinh dưỡng nặng thì lập lại liều trên sau 4-6 tuần.
Chỉ định IVIG (Intravenous Immunoglobulin):
- Khi có tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh, viêm não.
- Chế phẩm: lọ 2,5 gam/50 ml.
- Liều dùng: 5 ml/kg/ ngày x 3 ngày liên tiếp.
- Truyền tĩnh mạch chậm trong 8-10 giờ
Điều trị triệu chứng và nâng đỡ
- Sốt:
- Paracetamol 10 – 15 mg/kg x 4 lần/ngày nếu trẻ sốt > 38,5oC.
- Có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt và giảm đau nhức.
- Không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi
- Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát khi sốt cao
- Nếu trẻ sốt còn sốt sau phát ban 3 – 4 ngày: cần tìm nguyên nhân (bội nhiễm, sốt do nguyên nhân khác).
- Giảm ho: thuốc giảm ho
- Bù nước và điện giải
- Uống đủ nước để tránh mất nước
- Nếu có tiêu chảy hoặc nôn mửa, có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống (ORS) để thay thế chất lỏng bị mất
- Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải
- Dinh dưỡng:
- Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ.
- Nên cho trẻ ăn chế đô bồi dưỡng, chia nhỏ khẩu phần để dễ tiêu hóa và đủ lượng, chất.
- Khuyến khích cho trẻ tiếp tục bú mẹ nếu trẻ còn bú.
- Vệ sinh: cho trẻ ở nơi thoáng mát, khô ráo. Vệ sinh sạch sẽ để phòng ngừa bội nhiễm. Vệ sinh da, mắt, mũi, miệng họng. Dùng bông gòn ẩm sạch mắt để loại bỏ ghèn mắt
- Nghỉ ngơi: Đảm bảo người bệnh được nghỉ ngơi đầy đủ.
3. Điều trị biến chứng của bệnh sởi
Với các trường hợp sởi có biến chứng nặng thường có giảm protein và albumin máu nặng cần cho xét nghiệm để bù albumin kịp thời
3.1. Viêm phổi do vi rút:
- Điều trị: Điều trị triệu chứng.
- Hỗ trợ hô hấp: tùy theo mức độ suy hô hấp.
3.2 Viêm phổi do vi khuẩn mắc trong cộng đồng:
- Kháng sinh: beta lactam/Ức chế beta lactamase, cephalosporin thế hệ 3.
- Hỗ trợ hô hấp: tùy theo mức độ suy hô hấp
- Điều trị triệu chứng.
3.3. Viêm phổi do vi khuẩn mắc phải trong bệnh viện:
- Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị viêm phổi mắc phải trong bệnh viện.
- Hỗ trợ hô hấp: tùy theo mức độ suy hô hấp
- Điều trị triệu chứng.
3.4. Viêm thanh khí quản:
- Khí dung Adrenalin khi có biểu hiện co thắt, phù nề thanh khí quản.
- Hỗ trợ hô hấp: tùy theo mức độ suy hô hấp (Cụ thể xem phụ lục).
- Điều trị triệu chứng.
3.5. Trường hợp viêm não màng não cấp tính:
Điều trị: hỗ trợ, duy trì chức năng sống.
- Chống co giật: Phenobarbital 10-20mg/kg pha trong Glucose 5% truyền tĩnh mạch trong 30-60 phút. Lặp lại 8-12 giờ nếu cần. Có thể dùng Diazepam đối với người lớn 10 mg/lần tiêm tĩnh mạch.
- Chống phù não:
- Nằm đầu cao 30°, cổ thẳng (nếu không có tụt huyết áp).
- Thở oxy qua mũi 1-4 lít/phút, có thể thở oxy qua mask hoặc thở CPAP nếu người bệnh còn tự thở được. Đặt nội khí quản sớm để giúp thở khi điểm Glasgow < 12 điểm hoặc SpO2 < 92% hay PaCO2 > 50 mmHg.
- Thở máy khi Glasgow < 10 điểm.
- Giữ huyết áp trong giới hạn bình thường
- Giữ pH máu trong giới hạn: 7.4, pCO2 từ 30 – 40 mmHg
- Giữ Natriclorua máu trong khoảng 145-150 mEq/l bằng việc sử dụng natriclorua 3%
- Giữ Glucose máu trong giới hạn bình thường
- Hạn chế dịch sử dụng 70-75% nhu cầu cơ bản (cần bù thêm dịch nếu mất nước do sốt cao, mất nước thở nhanh, nôn ỉa chảy..)
- Mannitol 20% liều 0,5-1 g/kg, 6-8 giờ/lần, truyền tĩnh mạch trong 15 – 30 phút.
- Chống suy hô hấp; Suy hô hấp do phù phổi cấp, hoặc viêm não. Hỗ trợ khi có suy hô hấp (Cụ thể xem phụ lục).
- Có thể dùng Dexamethasone 0,5 mg/kg/ngày tiêm tĩnh mạch chia 4-6 lần trong 3- 5 ngày. Nên dùng thuốc sớm ngay sau khi người bệnh có rối loạn ý thức.
4. Lưu ý
Bệnh sởi mức độ nhẹ, không có biến chứng có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Tuy nhiên người nhà cần theo dõi và phát hiện các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời đưa người bệnh nhập viện điều trị:
- Tái khám mỗi 2 – 3 ngày đến khi hết sốt
- Cần đến viện ngay khi có ít nhất 1 trong số các dấu hiệu sau:
- Còn sốt sau khi ban bay. Thông thường sốt sẽ giảm khi phần ban ở đầu bắt đầu thâm và hết dần
- Sốt cao khó hạ kéo dài hơn 48h.
- Không ăn uống được, nôn tất cả mọi thứ. Trẻ em quấy khóc bỏ bú
- Tím tái
- Thở nhanh, khó thở
- Rối loạn tri giác, co giật, lừ đừ…
Đối với các đối tượng như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền nặng, phụ nữ mang thai… cần theo dõi hết sức thận trọng.