Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, nổi tiếng với khả năng lây lan cực kỳ nhanh chóng và tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Dù có vaccine hiệu quả, sởi vẫn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan tâm. Cùng DUPOMA tìm hiểu một chút về quá khứ của căn bệnh này và những gì đang diễn ra ở hiện tại, nguyên nhân và đường lây truyền bệnh sởi.
1. Lịch sử bệnh sởi
Bệnh sởi không phải là một bệnh mới và đã được ghi nhận là một căn bệnh phổ biến và nguy hiểm từ rất lâu trong lịch sử.
Không có mô tả nào về bệnh sởi trong các tác phẩm của Hippocrates và Galen, mặc dù căn bệnh này có thể đã được báo cáo trong các văn bản y học Ayurvedic của Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước. Căn bệnh này có thể đã bị nhầm lẫn với các cơn sốt phát ban khác. Bệnh đậu mùa đã được mô tả trong The Pandects of Aaron of Alexandria, một bác sĩ người Copt sống vào thế kỷ thứ 7. Mô tả chi tiết đầu tiên phân biệt bệnh đậu mùa với bệnh sởi là của Rhazes (860–932), bác sĩ trưởng tại bệnh viện ở Baghdad. Nó được tìm thấy trong cuốn sách al-Judari wa al-Hasbah (luận thuyết về bệnh đậu mùa và bệnh sởi) của ông được xuất bản năm 910 và được dịch sang hơn một chục thứ tiếng.
Đến thế kỉ 17-18 bệnh sởi lan rộng và gây dịch nghiêm trọng ở các nước châu Âu, nhiều bác sĩ trong đó có Thomas Sydenham đã mô tả lâm sàng về sởi, giúp nâng cao nhận thức y học về căn bệnh này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây bệnh vẫn chưa được biết đến.
Đến thế kỉ 19, khi mà ngành vi sinh học hình thành và phát triển, các nhà khoa học đã xác định sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan. Năm 1846, bác sĩ người Đan Mạch Peter Panum quan sát một đợt dịch sởi tại quần đảo Faroe và ghi nhận các đặc điểm về khả năng miễn dịch suốt đời sau khi mắc bệnh – phát hiện mang tính nền tảng cho nghiên cứu miễn dịch học sau này.
Bản chất virus của căn bệnh này đã được chứng minh vào năm 1911 bởi John Anderson và Joseph Goldberger, những người đã truyền bệnh sởi thành công cho khỉ rhesus từ mẫu máu của bệnh nhân mắc bệnh sởi, dẫn đến phát ban riêng biệt với đỉnh sốt.

Bước sang thế kỉ 20, một bước ngoặt lịch sử trong việc nghiên cứu bệnh sởi xảy ra vào năm 1954, khi hai nhà khoa học người Mỹ là John Enders và Thomas Peebles đã lần đầu tiên phân lập thành công virus sởi từ một học sinh đang mắc bệnh tại Boston. Đây là một cột mốc quan trọng, mở đường cho việc phát triển vắc-xin phòng ngừa.
Đến năm 1963, vắc-xin sởi đầu tiên đã được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ. Sau đó, các loại vắc-xin cải tiến (vắc-xin sống giảm độc lực) tiếp tục được phát triển và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu. Đặc biệt, từ thập niên 1970–1980, vắc-xin sởi đã giúp giảm mạnh tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới.
Thế kỉ 21, kể từ năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức y tế toàn cầu đã đẩy mạnh chiến dịch loại trừ bệnh sởi ở nhiều khu vực, trong đó có Châu Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á. Nhiều quốc gia đã từng tuyên bố loại trừ sởi nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng do tâm lý e ngại vắc-xin, sự gián đoạn y tế trong đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột đã khiến sởi tái bùng phát tại nhiều quốc gia. WHO cảnh báo nguy cơ bùng dịch sởi toàn cầu vẫn rất cao nếu không tăng cường tiêm chủng.
2. Nguyên nhân gây bệnh sởi
Virus sởi là một virus có hình cầu, không phân đoạn, mang RNA sợi đơn, và thuộc chi Morbillivirus trong họ Paramyxoviridae. Các thành viên khác của chi Morbillivirus bao gồm virus dịch tả trâu bò (rinderpest) và virus gây bệnh sài sốt ở chó (canine distemper virus).
Mặc dù các virus RNA có tốc độ đột biến cao, virus sởi lại là một virus đơn hình kháng nguyên (antigenically monotypic), nghĩa là các protein bề mặt – yếu tố tạo nên miễn dịch bảo vệ – vẫn giữ được cấu trúc kháng nguyên ổn định. Điều này giúp các loại vắc xin sởi được phát triển từ hàng thập kỷ trước chỉ từ một chủng virus duy nhất vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả bảo vệ trên toàn cầu.
Virus sởi bị bất hoạt bởi ánh sáng cực tím và nhiệt độ cao. Các chủng virus sởi giảm độc lực dùng trong vắc xin cũng mang đặc điểm này, vì vậy cần phải bảo quản và vận chuyển trong điều kiện dây chuyền lạnh.
Bộ gen RNA của virus sởi có khoảng 16.000 nucleotide và được bao bọc trong một màng lipid có nguồn gốc từ tế bào vật chủ. Bộ gen này mã hóa 8 loại protein, trong đó có 6 protein cấu trúc và 2 protein phi cấu trúc. Hai protein chính đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch là hemagglutinin (H) và fusion (F). Protein H chịu trách nhiệm cho việc virus gắn vào tế bào chủ, trong khi protein F giúp hạn chế sự phát triển của virus
Các protein khác của virus sởi tham gia vào quá trình sao chép virus. Protein P điều hòa quá trình phiên mã, nhân lên, và hiệu quả hình thành nucleocapsid bởi protein N (Spehner và cộng sự, 1997). Protein M liên kết giữa các ribonucleoprotein với các protein màng trong quá trình lắp ráp virus. Chức năng của các protein V và C chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng chúng có vẻ góp phần vào độc lực của virus sởi thông qua việc điều hòa phiên mã và điều chỉnh độ nhạy của virus đối với tác dụng kháng virus của interferon α/β (Valsamakis và cộng sự, 1998; Patterson và cộng sự, 2000).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện công nhận 8 nhánh (clade) của virus sởi (được ký hiệu từ A đến H) và 23 kiểu gen (genotype) (WHO, 2006). Nhiều kiểu gen mới có thể sẽ được xác định thêm khi các chương trình giám sát và đặc trưng phân tử được tăng cường. Khi các nỗ lực kiểm soát bệnh sởi gia tăng, giám sát phân tử các chủng virus đang lưu hành có thể giúp xác minh việc cắt đứt đường lây truyền virus sởi, đồng thời xác định nguồn gốc và con đường lây lan trong các đợt bùng phát (Rota và Bellini, 2003). Các công cụ dịch tễ học phân tử cũng rất quan trọng trong việc phát hiện các hành vi cố ý như tấn công sinh học bằng virus sởi hoang dại hoặc virus đã bị biến đổi gen.
3. Đường lây truyền bệnh sởi
Virus sởi lây lan cực kỳ dễ dàng qua đường không khí (khi người nhiễm ho, hắt hơi, thở), qua giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp từ mũi và miệng của người bệnh.
Virus có thể tồn tại và lây nhiễm trong không khí hoặc trên các bề mặt đến 2 giờ.
Sởi là một trong những bệnh lây lan nhất, lây nhanh gấp đôi COVID-19 và thủy đậu. Một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho đến 9 trên 10 người chưa miễn dịch tiếp xúc gần.
Người bệnh sởi có khả năng lây nhiễm từ khoảng 4 đến 5 ngày trước khi phát ban xuất hiện và kéo dài cho đến 4 ngày sau khi phát ban đã nổi. Điều này khiến việc kiểm soát lây nhiễm trở nên khó khăn vì bệnh có thể lây lan trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện và được chẩn đoán.
4. Đối tượng nguy cơ mắc sởi
Bỏi tính dễ lây lan và lây lan nhanh nên nhiều người có nguy cơ mắc bệnh sởi
- Bất kỳ ai chưa được tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa từng mắc sởi đều có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Trẻ em bị suy giảm miễn dịch do HIV hoặc AIDS, bệnh bạch cầu, tác nhân alkyl hóa hoặc liệu pháp corticosteroid, bất kể tình trạng tiêm chủng
- Đi đến những khu vực có bệnh sởi lưu hành hoặc tiếp xúc với những người đi du lịch đến những khu vực có bệnh sởi lưu hành
- Trẻ sơ sinh mất kháng thể thụ động trước tuổi tiêm chủng thường quy
Các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm:
- Trẻ em dưới 12 tháng tuổi/dưới 5 tuổi.
- Người lớn trên 20 tuổi.
- Phụ nữ mang thai (có nguy cơ cao sảy thai, sinh non, thai nhi nhẹ cân…)
- Người suy giảm miễn dịch (do bẩm sinh, mắc phải, nhiễm HIV/AIDS, hóa trị, xạ trị, hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch).
- Trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là những người thiếu vitamin A
5. Tình hình dịch sởi những năm gần đây
Trong dịch tễ học, sởi có một khái niệm là “chu kỳ 3-5 năm”. Sau mỗi đợt dịch lớn, một số lượng người sẽ có miễn dịch với bệnh, làm giảm số người có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, số lượng trẻ em mới sinh ra hoặc chưa được tiêm vaccine, hoặc chưa mắc bệnh sẽ làm gia tăng nhóm người chưa có miễn dịch trong cộng đồng. Khi số lượng đối tượng nhạy cảm này đạt đến một ngưỡng nhất định, virus sởi dễ dàng lây lan và tạo thành một đợt bùng phát mới.
Theo số liệu thống kê số ca mắc sởi trên toàn cầu đã tăng đáng kể. Năm 2023, có ước tính 10,3 triệu ca mắc sởi trên toàn thế giới và khoảng 107.500 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ
Tại châu Âu, số ca mắc sởi đã tăng gấp đôi vào năm 2024, đạt mức cao nhất trong hơn 25 năm.
Tại Hoa Kỳ, số ca mắc cũng tăng đáng lo ngại. Trong 4 tháng đầu năm 2025, đã có 935 ca mắc sởi được xác nhận. Tính đến tháng 6 năm 2025, tổng cộng 1.214 ca sởi đã được báo cáo tại 36 bang, với 3 ca tử vong được xác nhận, trong đó 95% trường hợp là những người chưa được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Riêng tiểu bang Texas báo cáo 683 trường hợp, 89 ca nhập viện và 2 ca tử vong.
Tại Đông Á và Thái Bình Dương, số trẻ em được tiêm vaccine sởi đã giảm từ 92% năm 2022 xuống 88% năm 2023, khiến 2,4 triệu trẻ em không được bảo vệ.
Tại Việt Nam, đến đầu tháng 4 năm 2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sở. Theo dự báo của các chuyên gia dịch tễ, năm 2025 trùng với chu kỳ 5 năm bùng phát mạnh của dịch sởi tại Việt Nam.
6. Nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng phát dịch sởi
Đã có những lúc thế giới tưởng chừng như đã xóa sổ bệnh sởi. Năm 2000, Hoa Kỳ tuyên bố rằng bệnh sởi đã bị loại trừ. Nhưng chỉ 15 năm sau, căn bệnh này đã quay trở lại và vẫn chưa biến mất kể từ đó.
Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát ttrở lại của dịch sởi có thể kể đến:
- Gián đoạn tiêm chủng do đại dịch COVID-19: Trong giai đoạn đại dịch, việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tập trung nguồn lực y tế cho COVID-19 đã làm giảm mạnh số lượng trẻ em được tiêm vaccine sởi và gây gián đoạn chuỗi cung ứng vaccine. Nhiều quốc gia vẫn đang nỗ lực để bắt kịp tỷ lệ tiêm chủng trước đại dịch.
- Trào lưu “anti-vaccine” và thông tin sai lệch: Các bậc phụ huynh do ảnh hưởng từ thông tin sai lệch về vaccine (ví dụ, mối liên hệ không có căn cứ giữa vaccine MMR và tự kỷ, xuất phát từ một bài báo bị rút lại năm 1998) đã chủ động không cho con em tiêm chủng đầy đủ, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng giảm.
- Khoảng trống miễn dịch cộng đồng (Herd Immunity Gap): Để ngăn chặn dịch sởi, cần đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% dân số với hai liều vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang thấp hơn nhiều ở nhiều khu vực (ví dụ, chỉ 88% trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương năm 2023, và khoảng 74% toàn cầu năm 2023 chỉ nhận được cả hai liều). Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan.
- Du lịch quốc tế và nhập khẩu bệnh: Sởi vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia, và việc du khách mang virus từ vùng dịch về các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân quan trọng gây ra các đợt bùng phát.
- Suy giảm sức đề kháng cá nhân: Tình trạng môi trường và thực phẩm ô nhiễm, cùng lối sống thiếu khoa học, có thể làm suy giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với lịch sử bùng phát dịch và tử vong cao trước khi có vaccine. Dù vaccine đã mang lại thành công lớn trong việc kiểm soát bệnh, nhưng sự gián đoạn tiêm chủng, thông tin sai lệch về vaccine và tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp đang dẫn đến sự bùng phát trở lại của sởi trên toàn cầu, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Mỗi chúng ta cần chung tay để góp phần thanh toán bệnh sởi trong tương lai gần.
BS Uông Mai