Cặp đối dược là sự tổng kết kinh nghiệm lâm sàng lâu dài của các danh y qua các thời đại. Chúng tuân theo nguyên lý phối ngũ “tương tu, tương sứ, tương úy, tương sát, tương ố, tương phản”, đồng thời thể hiện rõ lý luận về tứ khí, ngũ vị, thăng giáng phù trầm, quy kinh của dược tính Đông y. Ngày nay, cặp đối dược đã trở thành những tổ hợp phối ngũ tương đối cố định và được sử dụng phổ biến trong lâm sàng Trung y hiện đại.
I. Phân tích lý luận về cặp đối dược
-
Nguồn gốc của cặp đối dược
Khái niệm cặp đối dược xuất hiện sớm trong “Hoàng Đế Nội Kinh” với phương thuốc Bán Hạ Thục Mễ Thang điều trị chứng “vị bất hòa tắc ngọa bất an”. Đến thời Đông Hán, trong “Thương Hàn Tạp Bệnh Luận”, đã có 40 phương thuốc chỉ bao gồm hai vị thuốc, cho thấy ứng dụng của cặp đối dược ngày càng phổ biến hơn. Sau này, nhiều chuyên luận về đối dược được hình thành như “Lôi Công Dược Đối”, “Tân Quảng Dược Đối”, “Đắc Phối Bản Thảo”, “Thi Kim Mặc Đối Dược”, và đến hiện đại có “Trung Dược Đối Dược Đại Toàn”, tổng hợp hơn 600 cặp đối dược thường dùng và hiệu quả rõ rệt trong lâm sàng.
-
Phân tích đối dược trong kinh phương
Kinh phương y học cổ truyền thể hiện đầy đủ tư tưởng biện chứng luận trị. Ví dụ:
- Nhân Sâm – Bạch Truật thường dùng để bổ khí kiện tỳ;
- Đương Quy – Bạch Thược để bổ huyết dưỡng âm;
- Sinh Địa Hoàng – Mạch Môn để dưỡng âm thanh nhiệt;
- Phụ Tử – Can Khương để ôn lý hồi dương.
Những cặp đối dược này xuất hiện trong nhiều phương thuốc kinh điển, thể hiện vị trí trọng yếu của chúng, giúp tăng hiệu quả điều trị và làm nổi bật đặc sắc của lý luận Trung y.
-
Nguyên tắc phối ngũ cặp đối dược
Trước khi sử dụng đối dược, cần hiểu rõ từng vị thuốc về tính vị, quy kinh, công năng, độc tính. Mặc dù thành phần đơn giản, cặp đối dược phản ánh đầy đủ nguyên tắc phối ngũ và có quy luật biến hóa linh hoạt. Việc phối hợp này không cố định mà phải tùy chứng, tùy người. Các cách phối ngũ có thể chia thành: phối ngũ theo tính dược (tứ khí, ngũ vị, quy kinh, độc tính, thăng giáng), phối ngũ theo thất tình hòa hợp (tương tu, tương sứ, tương úy, tương sát, tương ố, tương phản).
II. Ứng dụng lâm sàng của cặp đối dược
-
Ứng dụng một vị phối với nhiều thuốc khác
Ví dụ: Đương Quy phối Bạch Thược để bổ huyết dưỡng âm, điều can; phối Hoàng Kỳ để bổ khí sinh huyết; phối Xuyên Khung để hành khí hoạt huyết; phối Nhục Thung Dung để nhuận tràng thông tiện.
Hay Cát Căn phối Thiên Hoa Phấn để trị tiêu khát; phối Nhân Sâm để kiện tỳ ích khí, phối Thạch Cao để giải cơ, thanh nhiệt.
-
Tác dụng khác nhau khi thay đổi tỷ lệ phối ngũ
Ví dụ: Nhị Diệu Tán gồm Thương Truật và Hoàng Bá theo tỷ lệ cố định có hiệu quả tốt trong điều trị bệnh thấp nhiệt. Quế Chi – Cam Thảo phối ngũ theo tỷ lệ hợp lý vừa ôn dương vừa điều hòa khí huyết. Đương Quy Bổ Huyết Thang với tỷ lệ Hoàng Kỳ:Đương Quy = 5:1 được chứng minh là hiệu quả nhất trong bổ khí sinh huyết. Hoàng Liên – Ngô Thù Du với tỷ lệ 6:1 giúp thanh can giáng nghịch, trị can hỏa phạm vị.
III. Nghiên cứu hiện đại về cặp đối dược
-
Về cơ chế tương tác dược lý
Nghiên cứu hiện đại cho rằng hiệu quả thuốc đến từ hoạt chất hóa học, còn tác dụng hiệp đồng là do sự tương tác hóa học khi phối hợp. Ví dụ: phối Xuyên Khung – Xích Thược giúp giảm MDA, tăng NO – hiệu quả chống oxy hóa và bảo vệ nội mô mạch máu. Phối Đào Nhân – Hồng Hoa giúp giảm độ nhớt máu, cải thiện tuần hoàn. Phối Đan Sâm – Vương Bất Lưu Hành có tác dụng chống đông máu và giảm độ nhớt toàn phần mạnh hơn từng vị đơn lẻ.
-
Về ảnh hưởng của tỷ lệ đến hoạt chất chiết xuất
Ví dụ: Cát Căn – Thạch Cao tỷ lệ 1:2 cho hàm lượng Cát Căn Tố và Đại Đậu Can cao nhất. Bạch Thược – Cam Thảo theo tỷ lệ 1:1 và 3:1 có hàm lượng hoạt chất cao nhất và tác dụng giảm đau bụng kinh rõ hơn. Đan Sâm – Xuyên Khung phối ngũ theo tỷ lệ 1:1 cho tỷ lệ chiết xuất thành phần hoạt tính cao nhất.
Biện chứng luận trị là linh hồn của y học cổ truyền, và cặp đối dược là một biểu hiện cụ thể trong thực hành lâm sàng. Việc nghiên cứu cặp đối dược không chỉ giúp kế thừa tinh hoa cổ phương mà còn là cầu nối giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Đối dược vừa giúp nâng cao hiệu quả điều trị vừa củng cố thêm làm rõ hơn cơ chế “biện chứng luận trị, toàn thể quan” đặc trưng của Đông y.
BS Uông Mai lược dịch