Thiên ma – vị thuốc thường dùng trong điều trị đau đầu

Thiên ma (tên khoa học: Gastrodia elata; tên Hán Việt: 天麻) được liệt kê là một trong 34 loại thuốc quý của Trung Quốc, có chức năng kép là vừa là một loại thảo dược vừa là nguồn thực phẩm. Đặc biệt Thiên ma nổi tiếng với công dụng điều trị chứng đau đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình. Trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu ứng dụng của Thiên ma trong điều trị các chứng bệnh có triệu chứng đau đầu.

1. Thiên ma theo y học cổ truyền

Thiên ma (Gastrodia elata Blume (GEB) – 天麻) là một vị thuốc cổ truyền quý hiếm trong y học cổ truyền phương Đông, được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thần kinh như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiền đình, co giật nhẹ, và cao huyết áp. Với đặc tính dược lý đặc biệt, thiên ma có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị các thể đau đầu thường gặp trong thực hành lâm sàng.

Theo Bản thảo bị yếu, Thiên ma vị tân ôn (cay, ấm), quy vào kinh can, thuộc khí phần. Có tác dụng ích khí, kiện âm, thông huyết mạch, cường gân cốt, tán đàm hành khí. Chủ trị: Các chứng phong gây chóng mặt, run rẩy, đầu quay, mắt tối, nói năng không lưu loát, tê bì do phong thấp, trẻ em kinh phong, co giật. (Chứng chóng mặt run rẩy phần lớn thuộc về Can Mộc. Gan không nuôi dưỡng được cân mạch thì xuất hiện các chứng nói trên. Thiên ma quy vào kinh Quyết âm (can kinh), có thể trị các bệnh thuộc Can. Khi khí can điều hòa thì bệnh tự khỏi).

Công dụng chính của Thiên ma

  • Bình can tức phong: Giúp điều hòa chức năng của can (gan), ức chế sự bốc hỏa, giảm hiện tượng can dương thượng cang – một nguyên nhân thường gặp gây đau đầu, chóng mặt, mất ngủ.
  • Trấn kinh an thần: Giúp giảm tình trạng kích thích thần kinh trung ương, làm dịu hệ thần kinh, cải thiện giấc ngủ và giảm đau đầu do căng thẳng thần kinh.
  • Khu phong, thông lạc: Thiên ma hỗ trợ loại trừ yếu tố phong gây bế tắc kinh mạch, từ đó giảm đau đầu do phong hàn, phong thấp xâm nhập. Bởi vậy Thiên ma còn có tên gọi khác là Định phong thảo

2. Cơ chế tác dụng theo y học hiện đại

Hàng trăm hợp chất, bao gồm phenol, glycoside, polysaccharides, steroid, axit hữu cơ và các hợp chất khác, đã được phân lập và xác định từ Thiên ma. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chỉ ra rằng các thành phần hoạt tính của nó có nhiều tác dụng dược lý, chẳng hạn như bảo vệ thần kinh, giảm đau, an thần và thôi miên, chống lo âu, chống trầm cảm, chống co giật, chống chóng mặt, hạ huyết áp, hạ lipid máu, bảo vệ gan, chống khối u và tăng cường khả năng miễn dịch.

Nhiều tài liệu tham khảo khác cũng chỉ ra rằng Thiên ma cho thấy các hoạt động dược lý đáng kể, chẳng hạn như chống oxy hóa, chống khối u, điều hòa miễn dịch, chống lão hóa, cải thiện trí nhớ, cải thiện tình trạng thiếu máu não, giảm huyết áp, tác dụng kháng khuẩn và giảm lipid máu

Các hoạt chất hóa học chính trong Thiên ma:

  • Parishin
  • Gastrodin
  • Vanillin
  • p-hydroxybenzaldehyde
  • p-hydroxybenzyl alcohol

Nhiều nghiên cứu hiện đại đã xác nhận rằng chiết xuất thiên ma, đặc biệt là hoạt chất Gastrodin, có tác dụng:

  • Làm giãn mạch máu não, cải thiện tuần hoàn não và tăng cung cấp oxy cho tế bào thần kinh.
  • Ức chế hiện tượng co mạch gây ra đau đầu kiểu migraine (đau nửa đầu).
  • Ổn định hoạt động điện sinh học của não bộ, hỗ trợ giảm các triệu chứng chóng mặt, rối loạn tiền đình và mất thăng bằng.

Nhờ đó, thiên ma được đánh giá là có hiệu quả tốt trong điều trị các chứng đau đầu liên quan đến thần kinh – mạch máu.

3. Ứng dụng trong điều trị các thể đau đầu

Thiên ma thường được phối hợp với các vị thuốc khác trong các bài thuốc cổ phương hoặc cải biên để điều trị nhiều thể đau đầu như:

  • Đau đầu thể can dương thượng cang (cao huyết áp, căng thẳng thần kinh): Dùng thiên ma kết hợp với câu đằng, cúc hoa, mẫu lệ trong bài Thiên ma câu đằng ẩm.
  • Đau đầu thể phong hàn kèm cứng cổ gáy: Dùng thiên ma phối hợp với khương hoạt, độc hoạt, cát căn trong bài Cát căn thiên ma thang.
  • Đau đầu thể khí huyết hư yếu ở người cao tuổi: Phối hợp thiên ma với hoàng kỳ, bạch truật, xuyên khung để vừa bổ khí, vừa khư phong.

4. Lưu ý khi sử dụng thiên ma

  • Không nên dùng liều cao kéo dài đặc biệt là người bị thiếu huyết hoặc tương tự trúng phong, không nên dùng. Do thuốc trừ phong có thể làm hao huyết. Trong Bản thảo bị yếu, Danh y Uông Ngang cho rằng thuốc trừ phong nên dùng kèm thuốc dưỡng huyết để điều hòa tính táo. Thuốc dưỡng huyết đôi khi cũng có thể kiêm thêm tác dụng khu phong để dẫn khí trệ đi. Cổ ngữ có câu: “Trị phong tiên trị huyết, huyết hành phong tự diệt”).
  • Tránh sử dụng thiên ma đơn độc trong các trường hợp đau đầu do hư hàn, người có cơ địa lạnh, tiêu hóa kém.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
  • Nên dùng thiên ma dưới dạng sắc thang hoặc viên hoàn, tùy vào thể trạng và chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền.

Thiên ma là một vị thuốc quý có giá trị trong điều trị các chứng đau đầu, đặc biệt là đau đầu do rối loạn tuần hoàn não, căng thẳng thần kinh, phong hàn và can dương vượng. Việc sử dụng thiên ma cần có sự chẩn đoán và phối hợp phù hợp trong từng thể bệnh để đạt hiệu quả tối ưu và tránh tác dụng không mong muốn.

BS Uông Mai 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *