Tóm tắt nghiên cứu: Ảnh hưởng của phác đồ tiêu chuẩn kết hợp với viên hoàn Sài hồ sơ can đối với tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori và hiệu quả điều trị ở bệnh nhân loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori

Tác giả: Quách Tĩnh
Đơn vị công tác: Phòng xét nghiệm, Bệnh viện Nhân dân số 3 thành phố Lạc Dương, Hà Nam, Lạc Dương
Ngày nhận bài: 03/07/2018
Giới thiệu tác giả: Quách Tĩnh (sinh năm 1985), nữ kỹ thuật viên xét nghiệm trưởng, hướng nghiên cứu là xét nghiệm y học.
Số điện thoại: 15896526242

Tóm tắt

Mục tiêu: Quan sát ảnh hưởng của liệu pháp 3 thuốc tiêu chuẩn kết hợp với viên hoàn Sài hồ sơ can đối với tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori và hiệu quả điều trị ở bệnh nhân loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori.

Phương pháp: 124 bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm kết hợp (n=62) và nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn (n=62). Nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn được điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn, trong khi nhóm kết hợp được bổ sung viên hoàn Sài hồ sơ can. Hiệu quả điều trị được đánh giá sau 4 tuần, đồng thời đo lường sự thay đổi của gastrin và endothelin trong huyết thanh.

Kết quả:

  • Tổng tỷ lệ hiệu quả của nhóm kết hợp đạt 95,00%, cao hơn đáng kể so với nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn (83,87%, P < 0,05).
  • Tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori của nhóm kết hợp là 87,10%, cao hơn đáng kể so với nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn (70,97%, P < 0,05).
  • Cả hai nhóm đều có sự cải thiện đáng kể về gastrin và endothelin sau điều trị, nhưng nhóm kết hợp có mức cải thiện tốt hơn so với nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn (P < 0,05).

Kết luận: Việc sử dụng liệu pháp 3 thuốc tiêu chuẩn kết hợp với viên hoàn Sài hồ sơ can có thể giúp cải thiện đáng kể triệu chứng lâm sàng, điều hòa mức gastrin và endothelin, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori. Đây là phương pháp đáng được ứng dụng trong thực tế lâm sàng.

Từ khóa: Esomeprazole, viên hoàn Sài hồ sơ can, loét dạ dày, gastrin, endothelin

Phân loại và mã tài liệu

Phân loại: R287
Mã tài liệu: B
Số bài báo: 1001-1528 (2019) 04-0957-03
DOI: 10.3969/j.issn.1001-1528.2019.04.053

Giới thiệu

Loét dạ dày là tình trạng phổ biến của loét tiêu hóa, xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương do tác động của axit dạ dày và pepsin. Bệnh có triệu chứng tương tự chứng rối loạn tiêu hóa, nhưng cũng có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, thủng dạ dày hoặc thậm chí ung thư hóa.

Nhiễm Helicobacter pylori (Hp) là một trong những nguyên nhân chính gây loét dạ dày. Việc diệt trừ Hp không chỉ giúp chữa lành vết loét mà còn ngăn ngừa tái phát.

Hiện nay, một trong các phương pháp điều trị phổ biến nhất là pháp đồ 3 thuốc tiêu chuẩn, sử dụng thuốc ức chế tiết axit kết hợp với hai loại kháng sinh. Phương pháp này giúp giảm tiết axit, làm mất hoạt tính của pepsin và tiêu diệt Hp, nhưng tỷ lệ tái phát sau điều trị vẫn khá cao.

Theo y học cổ truyền, loét dạ dày thuộc phạm vi của các chứng “vị quản thống” (đau vùng thượng vị) và “tỳ vị hư nhược” (chứng đầy trướng). Viên hoàn Sài hồ sơ can có tác dụng giãn cơ, giảm đau, điều hòa chức năng dạ dày – ruột, thúc đẩy tiêu hóa và hỗ trợ điều trị loét dạ dày.

Tuy có nhiều nghiên cứu riêng lẻ về pháp đồ 3 thuốc tiêu chuẩn và viên hoàn Sài hồ sơ can trong điều trị loét dạ dày, nhưng nghiên cứu về sự kết hợp của hai phương pháp này vẫn còn hạn chế.

Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả điều trị và tác động lên các chỉ số sinh hóa của sự kết hợp liệu pháp 3 thuốc tiêu chuẩn và viên hoàn Sài hồ sơ can ở bệnh nhân loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori.

1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

1.1 Đối tượng nghiên cứu

Phương pháp chọn mẫu thuận tiện được áp dụng, bao gồm 124 bệnh nhân loét dạ dày được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân số 3 thành phố Lạc Dương từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017.

Tiêu chí chọn bệnh nhân:

  1. Tuổi ≥ 18 tuổi
  2. Được chẩn đoán xác định loét dạ dày qua nội soi không đau
  3. Có kết quả xét nghiệm Helicobacter pylori dương tính qua test thở ure C14
  4. Bệnh trạng ổn định, có khả năng giao tiếp và hiểu biết tốt bằng tiếng phổ thông
  5. Tự nguyện tham gia nghiên cứu và ký vào biên bản đồng thuận

Tiêu chí loại trừ:

  1. Bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cao
  2. Người bị khuyết tật về thể chất
  3. Người có tiền sử bệnh lý tâm thần hoặc rối loạn tâm lý
  4. Đã sử dụng thuốc ức chế axit dạ dày, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc kháng sinh trong vòng 4 tuần trước khi tham gia nghiên cứu
  5. Dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong phác đồ điều trị
  6. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú

Phương pháp phân nhóm:
Các bệnh nhân được đánh số thứ tự từ 1 đến 124 theo phương pháp bảng số ngẫu nhiên và được chia thành hai nhóm:

  • Nhóm kết hợp (n=62): Được điều trị bằng liệu pháp 3 thuốc tiêu chuẩn kết hợp với viên hoàn Sài hồ sơ can
  • Nhóm tiêu chuẩn (n=62): Được điều trị theo phác đồ 3 thuốc tiêu chuẩn

Nghiên cứu này đã được Hội đồng Đạo đức của Bệnh viện Nhân dân số 3 thành phố Lạc Dương phê duyệt.

Bảng 1: So sánh đặc điểm chung của hai nhóm (x̄ ± s)

Chỉ số Nhóm kết hợp 3 thuốc tiêu chuẩn và

Sài hồ sơ can hoàn

Nhóm phác đồ 3 thuốc tiêu chuẩn
Số lượng bệnh nhân (n) 62 62
Giới tính (Nam/Nữ) (n) 30/32 33/29
Tuổi (năm) 49,38 ± 6,15 50,12 ± 5,97
Thời gian mắc bệnh (tháng) 6,73 ± 1,62 6,82 ± 1,59
Cân nặng (kg) 63,37 ± 11,56 64,12 ± 12,06
Vị trí loét (n)
– Hang vị 43 46
– Góc bờ cong nhỏ 8 7
– Thân vị & đáy vị 11 9
Đường kính ổ loét (cm) 0,49 ± 0,18 0,47 ± 0,20
Trình độ học vấn (n)
– Tiểu học 22 24
– THCS & THPT 26 29
– Cao đẳng trở lên 14 13
Tình trạng hôn nhân (n)
– Đã kết hôn 50 52
– Chưa kết hôn 3 1
– Ly hôn 9 8
Loại bảo hiểm (n)
– Bảo hiểm nông thôn 21 19
– Bảo hiểm y tế 41 43

1.2 Phương pháp nghiên cứu

1.2.1 Thuốc sử dụng

  • Amoxicillin (Công ty TNHH Liên Bang Dược phẩm Quốc tế, số lô: 120214, 150810, 160722)
  • Clarithromycin (Công ty TNHH Dược phẩm Hồ Nam Á Đại, số lô: 120330, 140925, 161008)
  • Esomeprazole (Công ty TNHH Dược phẩm AstraZeneca, số lô: 120625, 150525)
  • Viên hoàn Sài hồ sơ can (Công ty TNHH Dược phẩm Thiên Sư Lực – Thiên Tân, số lô: 150214, 120220, 150922)

Thành phần của viên hoàn Sài Hồ Thư Can gồm:

Sài hồ, binh lang (hạt cau), bạch thược, đại hoàng, bạc hà, trần bì, đương quy, đậu khấu, nga truật, phòng phong, phục linh, cam thảo, hậu phác, hoàng cầm, bán hạ chế gừng, cát cánh, lục thần khúc, mộc hương, thanh bì, tam lăng, sơn tra, ô dược, hương phụ, chỉ xác, tử tô ngạnh.

1.2.2 Phác đồ điều trị

  • Nhóm 3 thuốc tiêu chuẩn (nhóm tiêu chuẩn): Dùng esomeprazole 20 mg (2 lần/ngày) + amoxicillin 1000 mg (2 lần/ngày) + clarithromycin 500 mg (2 lần/ngày), trong 14 ngày.
  • Nhóm kết hợp: Dùng phác đồ 3 thuốc tiêu chuẩn kết hợp với viên hoàn Sài hồ sơ can, liều 1 viên/lần, 2 lần/ngày, trong 14 ngày.

1.3 Chỉ số quan sát

1.3.1 Tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori

  • Một tháng sau khi ngừng thuốc, bệnh nhân được kiểm tra bằng test thở ure C14 để đánh giá tình trạng diệt trừ Helicobacter pylori.
  • Nếu kết quả âm tính, được coi là diệt trừ thành công.

1.3.2 Tỷ lệ cải thiện triệu chứng

  • Bệnh nhân được tái khám sau 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.
  • Mức độ triệu chứng được phân loại như sau:
    • 0 điểm: Không có triệu chứng.
    • 1 điểm: Triệu chứng nhẹ, không cần điều trị.
    • 2 điểm: Triệu chứng trung bình, cần dùng thuốc, ảnh hưởng một phần công việc.
    • 3 điểm: Triệu chứng nghiêm trọng, bắt buộc phải điều trị, không thể làm việc.
  • Tiêu chí đánh giá hiệu quả:
    • Hiệu quả rõ rệt: Tổng điểm triệu chứng giảm >75%.
    • Có hiệu quả: Tổng điểm triệu chứng giảm ≥50% nhưng <75%.
    • Cải thiện: Tổng điểm triệu chứng giảm ≥25% nhưng <50%.
    • Không hiệu quả: Không đạt tiêu chuẩn cải thiện.

1.3.3 Xét nghiệm gastrin và endothelin

  • Lấy máu tĩnh mạch trước và sau điều trị, ly tâm để tách huyết thanh.
  • Dùng phương pháp miễn dịch phóng xạ để đo nồng độ gastrin-17 và endothelin-1 trong huyết thanh.

1.3.4 Theo dõi tác dụng phụ

  • Quan sát và ghi nhận các tác dụng phụ như: phát ban, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa ở cả hai nhóm.

1.4 Phương pháp thống kê

  • Dữ liệu được nhập và phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0.
  • Mức ý nghĩa thống kê α = 0,05.

2. Kết quả

2.1 So sánh hiệu quả diệt trừ Helicobacter pylori

Một tháng sau khi ngừng thuốc, tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori giữa hai nhóm có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05). Chi tiết kết quả xem Bảng 2

Bảng 2: So sánh hiệu quả diệt trừ Helicobacter pylori (n = 62)

Nhóm Âm tính (số ca) Dương tính (số ca) Tỷ lệ diệt trừ (%)
Nhóm tiêu chuẩn 44 18 70,97%
Nhóm kết hợp 54 8 87,10% *

Ghi chú: So với nhóm tiêu chuẩn, nhóm kết hợp có tỷ lệ diệt trừ Helicobacter pylori cao hơn có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

2.2 So sánh tình trạng cải thiện triệu chứng tổng thể

Nhóm kết hợp có tỷ lệ cải thiện triệu chứng tổng thể cao hơn đáng kể so với nhóm tiêu chuẩn (P < 0,05). Chi tiết kết quả xem Bảng 3.

Bảng 3: So sánh tỷ lệ cải thiện triệu chứng giữa hai nhóm (n = 62)

Nhóm Hiệu quả rõ rệt (n, %) Có hiệu quả (n, %) Cải thiện (n, %) Không hiệu quả (n, %) Tỷ lệ cải thiện tổng thể (%)
Nhóm tiêu chuẩn 34 (54,84%) 18 (29,03%) 1 (1,61%) 9 (14,52%) 83,87%
Nhóm kết hợp 29 (46,77%) 30 (48,39%) 1 (1,61%) 2 (3,23%) 95,00% *

Ghi chú: So với nhóm tiêu chuẩn, nhóm kết hợp có tỷ lệ cải thiện tổng thể cao hơn đáng kể (P < 0,05).

2.3 So sánh sự thay đổi nồng độ Gastrin và Endothelin

  • Trước điều trị: Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nồng độ Gastrin-17Endothelin-1 giữa hai nhóm (P > 0,05).
  • Sau điều trị:
    • Nồng độ Gastrin-17 trong huyết tương tăng đáng kể ở cả hai nhóm (P < 0,05), nhưng nhóm kết hợp có mức tăng cao hơn so với nhóm tiêu chuẩn (P < 0,05).
    • Nồng độ Endothelin-1 giảm đáng kể ở cả hai nhóm (P < 0,05), nhưng nhóm kết hợp có mức giảm nhiều hơn so với  nhóm tiêu chuẩn (P < 0,05).
  • Chi tiết kết quả xem Bảng 4.

Bảng 4: So sánh sự thay đổi nồng độ Gastrin-17 và Endothelin-1 giữa hai nhóm (x̄ ± s, n = 62)

Nhóm Gastrin-17 (mmol/L) (trước điều trị) Gastrin-17 (mmol/L) (sau điều trị) Endothelin-1 (ng/L) (trước điều trị) Endothelin-1 (ng/L) (sau điều trị)
Nhóm kết hợp 6,79 ± 2,41 14,02 ± 2,53 *# 81,75 ± 12,20 61,05 ± 10,11 *#
Nhóm tiêu chuẩn 6,47 ± 2,60 9,23 ± 2,02 * 82,14 ± 11,79 70,23 ± 11,53 *

Ghi chú:

So với trước điều trị, sự thay đổi có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

So với nhóm tiêu chuẩn sau điều trị, sự thay đổi có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).

2.4 So sánh tác dụng phụ giữa hai nhóm

  • Nhóm kết hợp: 4 bệnh nhân có tác dụng phụ, gồm 2 ca phát ban, 2 ca buồn nôn/nôn.
  • Nhóm tiêu chuẩn:  5 bệnh nhân có tác dụng phụ, gồm 2 ca phát ban, 3 ca rối loạn tiêu hóa.
  • Tất cả bệnh nhân đều không bị ảnh hưởng đến liệu trình điều trị, triệu chứng biến mất sau 3 – 5 ngày.
  • Không có bất thường trong các xét nghiệm lâm sàng trước và sau khi dùng thuốc.

3. Thảo luận

Loét dạ dày là một trong những bệnh lý phổ biến nhất của đường tiêu hóa trên, gây tổn thương đến lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc và lớp cơ của dạ dày. Bệnh chiếm khoảng 25% tổng số trường hợp loét tiêu hóa, với cơ chế bệnh sinh phức tạp, chủ yếu liên quan đến axit dạ dày, pepsin, nhiễm Helicobacter pylori (Hp) và các thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh [9-10].

Trong y học hiện đại, nhận thức về loét dạ dày đã trải qua ba giai đoạn lịch sử quan trọng:

  1. “Không có axit thì không có loét”,
  2. “Không có Hp thì không có loét”,
  3. “Thời đại chất lượng chữa lành vết loét”.

Mặc dù phương pháp điều trị đã liên tục được cải tiến trong từng giai đoạn, nhưng tỷ lệ tái phát vẫn còn cao. Một trong những lý do là niêm mạc dạ dày có 4 lớp: niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc. Khi loét dạ dày đã xâm lấn đến lớp cơ, việc ức chế axit, diệt trừ HP và bảo vệ niêm mạc chỉ giúp làm lành lớp niêm mạc, trong khi lớp dưới niêm mạc và lớp cơ chưa phục hồi hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ tái phát cao [11-12].

Quan điểm điều trị theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, loét dạ dày thuộc phạm vi các chứng như Vị bĩ” (đầy trướng dạ dày), “Vị quản thống” (đau dạ dày), “Tâm hạ bĩ mãn” (đầy tức vùng thượng vị). Căn nguyên của bệnh liên quan đến thể trạng yếu, ngoại tà xâm nhập, tà khí phạm vị, tính chí uất kết, vị khí uất trệ, can vị bất hòa, từ đó gây ra loét dạ dày [13]. Vì vậy, “Sơ can – Hòa vị” (Điều hòa chức năng gan và dạ dày) là nguyên tắc điều trị cơ bản.

Viên hoàn Sài hồ sơ can có tác dụng giảm đầy bụng, giảm đau, sơ can lý khí, kiện tỳ, điều hòa dạ dày, thích hợp cho các triệu chứng đầy tức vùng sườn, khó tiêu, khí trệ ở gan, buồn nôn, nôn chua… [14].

Kết quả nghiên cứu và ý nghĩa lâm sàng

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Tỷ lệ hiệu quả điều trị ở nhóm kết hợp cao hơn so với nhóm tiêu chuẩn(P < 0,05).
  • Tỷ lệ diệt trừ HP ở nhóm kết hợp cao hơn đáng kể so nhóm tiêu chuẩn (P < 0,05).
  • Không có tác dụng phụ nghiêm trọng trong cả hai nhóm, chứng tỏ liệu pháp esomeprazole kết hợp với Sài Hồ Thư Can có hiệu quả tốt và an toàn.

Tác dụng này có thể liên quan đến:

  • Sài hồ không chỉ sơ can lý khí, thanh nhiệt giải uất mà còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, điều hòa hệ miễn dịch, giúp tăng cường hiệu quả giảm đau, điều hòa chức năng tiêu hóa và hỗ trợ diệt trừ HP.

Vai trò của Gastrin và Endothelin trong điều trị

  • Gastrin là một hormone peptide được tiết ra bởi tế bào G của dạ dày và ruột non, có tác dụng kích thích tiết dịch vị, pepsin, mật, đồng thời thúc đẩy tăng sinh tế bào niêm mạc dạ dày và nhu động tiêu hóa [15].
  • Endothelin-1 là một chất gây co mạch mạnh, có mặt rộng rãi trong hệ tiêu hóa và có vai trò điều hòa lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày.

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Sau điều trị, nồng độ gastrin-17 tăng, endothelin-1 giảm ở cả hai nhóm (P < 0,05), nhưng nhóm kết hợp có sự cải thiện rõ rệt hơn so với nhóm tiêu chuẩn (P < 0,05).
  • Điều này cho thấy liệu pháp kết hợp có thể tăng cường lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, giúp cải thiện triệu chứng, giảm mức độ nghiêm trọng của loét dạ dày.

Kết luận

Liệu pháp kết hợp 3 thuốc tiêu chuẩn với viên hoàn Sài hồ sơ can giúp:

  • Tăng hiệu quả diệt trừ Hp, giảm nguy cơ tái phát.
  • Cải thiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt hơn.
  • Tăng nồng độ Gastrin-17, giảm Endothelin-1, hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày.
  • An toàn, ít tác dụng phụ, phù hợp để ứng dụng trong điều trị lâm sàng.

Với những lợi ích trên, liệu pháp kết hợp này đáng được khuyến khích và áp dụng rộng rãi trong điều trị loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori.

Tài liệu tham khảo

  1. Ngô Đông, Hồ Húc Quân, Lâm Ngôn, et al. Ảnh hưởng của esomeprazole kết hợp với kháng sinh quinolone đối với các yếu tố viêm ở bệnh nhân loét dạ dày dương tính với Helicobacter pylori [J]. Tạp chí Dược phẩm Sinh hóa Trung Quốc, 2016, 36(11): 94-97.

  2. Chu Phong. Đặc điểm lâm sàng của loét dạ dày còn sót lại và ung thư dạ dày sau cắt bỏ một phần dạ dày do loét dạ dày tá tràng [J]. Hướng dẫn Y học Trung Quốc, 2015, 13(25): 22-23.

  3. Hoàng Linh, Hoàng Lệ Hạ, Khâu Tiểu Nhã, et al. Phân tích chăm sóc điều dưỡng cho bệnh nhân loét dạ dày mãn tính [J]. Thực hành và Nghiên cứu Điều dưỡng, 2011, 8(10): 81-82.

  4. Trịnh Hồng Tân, Vương Thùy Kiệt, Vương Văn Bình, et al. Nghiên cứu hệ thống về nguyên nhân “độc nhiệt” trong giai đoạn hoạt động của loét dạ dày [J]. Y học cổ truyền thế giới, 2014, 9(5): 557-560, 567.

  5. Viên Úy Đình, Nhâm Khánh Mai. Chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân làm test thở ure C14 [J]. Tạp chí Y học sai sót Trung Quốc, 2007, 7(26): 6319-6320.

  6. Đồ Sa, Dương Huệ Tương. Tiến triển trong điều trị nhiễm Helicobacter pylori [J]. Tạp chí Đại học Trung Nam (Phiên bản Y học), 2014, 39(9): 981-988.

  7. Lưu Văn Trung. Giải thích hướng dẫn thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng về loét tiêu hóa của Nhật Bản (2015) [J]. Tạp chí Tiêu hóa học, 2016, 21(3): 129-137.

  8. Hồ Sở Thắng, Chu Thản Phong, Giang Thụy, et al. Hiệu quả của rabeprazole kết hợp với viên hoàn Sài Hồ Thư Can trong điều trị viêm dạ dày teo mãn tính ở người cao tuổi và ảnh hưởng của nó đến gastrin huyết thanh và endothelin [J]. Tạp chí Y học Kết hợp Đông – Tây hiện đại, 2016, 25(28): 3162-3164.

  9. Dương Thụy Kỳ, Mao Hoa, Hoàng Lệ Vận, et al. Nghiên cứu lâm sàng về chất lượng phục hồi niêm mạc loét dạ dày khi điều trị bằng magnesi aluminate kết hợp với esomeprazole [J]. Tạp chí Tiêu hóa Trung Quốc, 2017, 37(1): 35-40.

  10. Chu Cận Phong, Diệp Đình Đình, Trương Xương Lâm, et al. Hiệu quả của phác đồ ba liên kết clarithromycin, amoxicillin, lansoprazole kết hợp với rebamipide trong điều trị loét dạ dày tá tràng ở người cao tuổi và ảnh hưởng đến hình thái niêm mạc dạ dày [J]. Tạp chí Lão khoa Trung Quốc, 2015, 35(21): 6171-6173.

  11. Chu Thần Vũ, Dương Chấn Hoa. Quan sát lâm sàng về liệu pháp ba liên kết rebamipide trong điều trị loét dạ dày kèm xuất huyết dạ dày [J]. Tạp chí Dược phẩm Trung Quốc, 2017, 28(6): 766-769.

  12. Vương Nhất Phàm. So sánh hiệu quả điều trị loét dạ dày liên quan đến Helicobacter pylori giữa esomeprazole và omeprazole [J]. Tạp chí Lâm sàng Bệnh viện thực hành, 2014, 11(6): 162-164.

  13. Trịnh Tiểu Du. Nguyên tắc hướng dẫn nghiên cứu lâm sàng thuốc mới Đông y (Thử nghiệm) [M]. Bắc Kinh: Nhà xuất bản Khoa học Y học Trung Quốc, 2002: 151.

  14. Quách Khánh Phi. Hiệu quả của viên hoàn Sài Hồ Thư Can kết hợp với mosapride trong điều trị chứng rối loạn tiêu hóa chức năng do can vị bất hòa [J]. Diễn đàn Y học Đương đại, 2017, 15(2): 96-98.

  15. Chu Yến Trung, Quản Ái Quân, Thôi Kiếm, et al. Phân tích mối liên quan giữa xét nghiệm kết hợp CEA, CA724, PG và Gastrin-17 với các bệnh dạ dày [J]. Hướng dẫn Y học Trung Quốc, 2013, 11(6): 481-482.

BS Uông Mai lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *