Trào lưu nước cốt chanh và những tác động đến sức khỏe con người

Dạo gần đây trên mạng xã hội người người, nhà nhà rỉ tai nhau về thứ nước thần thánh chữa bách bệnh – nước cốt chanh tươi. Người thì nói chữa ung thư, người nói chữa dạ dày, người khoe uống vào dù đã tắt kinh vài năm nay bỗng hồi xuân ra kinh như thuở trẻ… Muôn hình vạn trạng của những công dụng từ tuyệt vời đến thần thánh được chia sẻ rầm rộ, các hội nhóm mọc lên như nấm sau mưa khiến những bác sĩ được đào tạo chính quy bài bản thậm chí là các thầy co chuyên gia y tế cũng phải mắt chữ a mồm chữ o. Nhân cái trào lưu này, DUPOMA cũng muốn góp giọt nước nhỏ vào cốc nước cốt chanh để cùng bàn luận vài khía cạnh cũng như nêu vài quan điểm liên quan.

1. Quả chanh và giá trị dinh dưỡng của nó

Đầu tiên chúng ta cần làm rõ với nhau rằng có rất nhiều giống chanh, nhưng phổ biến nhất thì có thể kể tới

  • Chanh vàng (Lemon) – giống như Eureka, Lisbon, Meyer lemon (chanh ngọt hơn, lai cam).
  • Chanh xanh (Lime) – như Key lime, Persian lime (còn gọi là Tahiti lime).
  • Chanh giấy (Finger lime) – chanh Úc, trái nhỏ như ngón tay.
  • Chanh tây (Sweet lemon) – vị ngọt, ít chua.
  • Chanh đào – loại chanh có vỏ hơi đỏ hồng .

Tính tổng thì thế giới có khoảng hơn 20 giống chanh chính và rất nhiều giống địa phương.

Với mỗi loại chanh hàm lượng dinh dưỡng cụ thể sẽ theo giống chanh, độ chín, điều kiện trồng trọt…

Chúng ta cùng cập nhật một vài giá trị dinh dưỡng của quả chanh được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố

Có thể thấy cùng nhóm chanh nhưng chanh vàng (lemon) và chanh xanh (lime) đã có nhiều sự khác biệt đáng kể trong thành phần dinh dưỡng. Thậm chí nước cốt 2 loại chanh này cũng không giống nhau. Một số loại vitamin có trong chanh có thể kể đến vitamin A (chanh xanh có khoảng 50UI, chanh vàng khoảng 22UI), vitamin B6 (chanh vàng 0.08mg, chanh xanh 0.043mg), vitamin B9, B1 cũng có nhưng hàm lượng thấp.

Trong đó thành phần dinh dưỡng mà nhiều người nhắc tới công dụng của chanh với sức khỏe là vitamin C (lượng khuyến nghị hàng ngày là 90 mg đối với nam giới và 75 mg đối với phụ nữ). Chanh cũng thuộc nhóm trái cây có hàm lượng Vitamin C tương đối cao nhưng vị chua gắt của chanh không đến từ vitamin C (chua nhẹ) mà từ acid citric.

Acid citric không được liệt kê vào thành phần dinh dưỡng của chanh bởi bản thân acid citric không phải chất dinh dưỡng, nó là acid hữu cơ tự nhiên, nó không cung cấp năng lượng, không phải vitamin hay khoáng thiết yếu. Nó chỉ được liệt kê trong thành phần hóa học có trong chanh. Nước cốt chanh chứa khoảng 4.5 – 6 g acid citric trên 100 ml nước cốt chanh. Chanh có nồng độ axit hữu cơ cao (6,01 g trên 100 g) ( Ciqual Table, 2020 ), bao gồm 5,90g acid citric.

2. Nước chanh và những giá trị đối với sức khỏe

Chanh (Citrus limon) là một trong những loại trái cây họ cam quýt phổ biến nhất thế giới được sử dụng trong nhiều chế phẩm thực phẩm. Các nghiên cứu trước đây đã tiết lộ chức năng tăng cường sức khỏe của chúng, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn và chống viêm. Ở người, chiết xuất chanh đã được báo cáo là làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, chỉ ra tiềm năng chống dị ứng của chanh và xác định một con đường dược lý mới. Chanh chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng khác nhau, bao gồm flavonoid, vitamin, khoáng chất, chất xơ hòa tan hoặc không hòa tan, tinh dầu, axit hữu cơ và carotenoid. Trong số đó, nước chanh chứa nhiều axit citric nhất, tiếp theo là axit ascorbic (vitamin C), trong khi vỏ chanh chứa nhiều flavonoid khác nhau, chủ yếu là hesperidin và eriocitrin. Tính chất chống dị ứng của axit citric, hesperetin và eriodictyol (chất chuyển hóa hoạt động của hesperidin và eriocitrin) đã được chứng minh trong các mô hình động vật mắc bệnh dị ứng, chẳng hạn như viêm da dị ứng và phản vệ

2.1. Chanh và tác dụng chống dị ứng

Trong các phản ứng dị ứng, tế bào mast giải phóng các hạt tiết, bao gồm các chất trung gian hóa học, chẳng hạn như histamine, serotonin, leukotrienes và prostaglandin, theo cách ngoại bào. Hầu hết các thuốc chống dị ứng phát huy tác dụng của chúng bằng cách đối kháng với thụ thể histamine H1 ở các mô ngoại vi. Tuy nhiên, một số loại thuốc hoặc hợp chất tự nhiên có đặc tính chống dị ứng mạnh hơn bằng cách ức chế trực tiếp quá trình ngoại bào và do đó ổn định tế bào mast

Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cellular Physiology and Biochemistry của các nhà khoa học thuộc Đại học Miyagi – Nhật Bản năm 2024 đã cung cấp bằng chứng in vitro đầu tiên cho thấy các thành phần trong nước cốt chanh, như axit citric, hesperetin và eriodictyol, có khả năng ổn định tế bào mast mạnh mẽ. Những đặc tính này có thể hữu ích trong việc phát triển các liệu pháp chống dị ứng và điều trị các bệnh liên quan đến tế bào mast, như xơ hóa cơ quan.

2.2. Làm giảm đau họng.

Nước ấm pha với mật ong và chanh là một bài thuốc dân gian phổ biến cho những người bị đau họng. Chanh là nguồn cung cấp Vitamin C dồi dào, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống nhiễm trùng, chữa lành vết thương, v.v. nên khá hữu ích trong các tổn thương viêm đau họng.

2.3. Giảm huyết áp và hỗ trợ tim mạch

Nghiên cứu tại Nhật Bản trên 101 phụ nữ trung niên cho thấy việc uống nước chanh hàng ngày kết hợp đi bộ có liên quan đến giảm huyết áp tâm thu. Trong nghiên cứu

  • 101 phụ nữ trung niên tại một vùng đảo ở Hiroshima, Nhật Bản.
  • Trong suốt 5 tháng, họ được theo dõi:
    • Số lượng bước chân mỗi ngày. (thống kê trung bình số bước chân mỗi ngày (6947,74 ± 2187,20))
    • Lượng chanh tiêu thụ hàng ngày (thống kê trung bình lượng chanh tiêu thụ là (0,43 ± 0,49))

Kết quả cho thấy: dùng chanh và đi bộ đều đặn, huyết áp tâm thu càng giảm đáng kể.

Trong nghiên cứu này thì lượng chanh tiêu thụ của người tham gia nghiên cứu là khoảng chưa đến 1 quả/ngày.

2.4. Giảm đường huyết sau ăn

Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu năm 2020 kiểm tra tác động của trà đen và nước cốt chanh  pha loãng đối với phản ứng đường huyết đối với bánh mì và lượng năng lượng hấp thụ sau đó ở người lớn khỏe mạnh.

Kết quả: Trà không có tác dụng gì đối với phản ứng đường huyết. Nước chanh làm giảm đáng kể nồng độ glucose trung bình trong máu lên đến 30% (p < 0,01) và làm chậm lại hơn 35 phút (78 so với 41 phút với nước, p < 0,0001). So với nước, nước chanh làm tăng thể tích dịch vị dạ dày gấp 1,5 lần, 30 phút sau bữa ăn (454,0 ± 18,6 so với 298,4 ± 19,5 mL,   ± SEM P  < 0,00001). Làm rỗng dạ dày cũng nhanh hơn 1,5 lần ( P  < 0,01). Ngược lại, nước chanh gây ra phản ứng đường huyết thấp hơn nước (nồng độ glucose trong máu tại thời điểm t = 55 phút thấp hơn 35%, P  = 0,039)

Những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu in vitro trước đây cho thấy việc giảm độ pH của bữa ăn có thể làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột thông qua việc ức chế sớm α-amylase nước bọt. Hơn nữa, tác dụng của nước chanh cũng tương tự như những gì đã được quan sát nhiều lần với giấm và các loại thực phẩm có tính axit khác. Do đó, việc đưa đồ uống hoặc thực phẩm có tính axit vào các bữa ăn nhiều tinh bột dường như là một chiến lược đơn giản và hiệu quả để giảm tác động đường huyết của chúng.

2.5. Tác dụng của nước cốt chanh với gan

Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Tôn Dật Tiên – Trung Quốc công bố trên tạp chí BioMed Research International cho thấy nước chanh ức chế đáng kể sự gia tăng alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST), TG gan và mức peroxy hóa lipid do rượu gây ra theo cách phụ thuộc vào liều lượng.

Mặc dù nghiên cứu mới được thực hiện thử nghiệm trên chuột song kết quả của nó cho thấy nước chanh có thể là một chất bổ sung chế độ ăn uống tiềm năng để phòng ngừa và điều trị tổn thương gan liên quan đến việc tiêu thụ rượu mãn tính.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Ấn Độ đăng tải trên tạp chí Pharmaceutical Biology cho thấy

  • Chiết xuất ethanol từ quả chanh có tác dụng bảo vệ gan rõ rệt, qua cả nghiên cứu in vivo và in vitro.
  • Hiệu quả tăng theo liều lượng, liều cao (500 mg/kg) tương đương thuốc chuẩn silymarin.
  • Hợp chất hoạt tính chủ yếu: Vitamin C, eriocitrin, hesperidin, naringin.

2.6. Nước chanh hỗ trợ điều trị sỏi thận

Citrate, một loại muối trong axit citric, liên kết với canxi và giúp ngăn chặn sự hình thành sỏi. Đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Chanh và bệnh sỏi thận” để cập nhật thêm một số thông tin.

Chanh và bệnh sỏi thận

2.7. Tác động chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh

Năm 2020 các nhà khoa học Đại học Allahabad, Ấn Độ đã công bố nghiên cứu về khảo sát tác động độc hại của chì (Pb) và thuốc trừ sâu carbamate cartap (Cp) lên enzyme acetylcholinesterase (AChE) trong não chuột, đồng thời đánh giá khả năng bảo vệ của nước ép chanh (Citrus limon) đối với enzyme acetylcholinesterase (AChE) trên tạp chí Journal of Basic and Clinical Physiology and Pharmacology. Thông qua nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy

  • Pb, Cp và hỗn hợp Pb–Cp làm giảm đáng kể hoạt tính của AChE theo các kiểu ức chế khác nhau.
  • Nước ép chanh chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học như flavonoid, phenol và vitamin C, có khả năng chống oxy hóa mạnh.
  • Khi bổ sung nước ép chanh vào các mẫu enzyme bị ức chế, hoạt tính của AChE được phục hồi đáng kể, đặc biệt ở nồng độ 67 µg/mL

Các hoạt chất sinh học có trong nước chanh có thể là yếu tố quyết định khả năng chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh của nó.

  • Limonene: Là một monoterpene có nhiều trong chanh, limonene đã được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và ức chế enzyme acetylcholinesterase, giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi độc tính do amyloid-beta trong mô hình bệnh Alzheimer. 
  • Hesperetin: Một flavonoid có trong chanh, hesperetin có khả năng trung hòa các gốc tự do, giảm viêm và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi stress oxy hóa, góp phần cải thiện chức năng nhận thức. 

3. Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khi sử dụng 1 lượng lớn nước cốt chanh trong thời gian dài

Axit trong chanh có thể làm mòn men răng. Đây là một mối lo ngại đã được ghi nhận rõ ràng đối với các loại đồ uống có tính axit.

Tiêu thụ chanh quá mức có thể làm trầm trọng thêm loét dạ dày và gây ra GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản) do tính axit của nó. Những người có tiền sử các vấn đề về tiêu hóa nên thận trọng.

Rối loạn tiêu hóa thường xuyên hơn ở nhóm bổ sung nước chanh trong một nghiên cứu. Điều này cho thấy một số người có thể bị khó chịu ở đường tiêu hóa.

Trong y học cổ truyền, sử dụng vị chua thái quá khiến tổn hại tỳ vị, tổn hại gân, và làm khô da.

  • Nội kinh tố vấn – Sinh khí thông thiên luận: Vị quá vu toan, can khí dĩ tân, tỳ khí nãi tuyệt – Ăn quá nhiều thức ăn có vị chua thì can khí thịnh vượng thái quá, tỳ khí vì thế mà hao tổn (Can mộc khắc tỳ thổ)
  • Nội kinh Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận: Mộc sinh toan, toan sinh can, can sinh cân. Nộ thương can, bi thắng nộ, phong thương cân, táo thắng phong, toan thương cân, tân thắng toan. – Giận quá hại gan, chua quá hại gân.
  • Nội kinh tố vấn – Ngũ tạng sinh thành: Đa thực toan tắc nhục chi trứu nhi thần yết – ăn quá nhiều vị chua sẽ khiến cơ thịt khô cứng, nhăn nheo, môi khô nứt

BS Uông Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *